- 'Không bám chấp'

Cách đây vài tháng mình có kể chuyện là mẹ chồng mình bị Alzheimer's, lúc đó tưởng là bà sắp mất nhưng rồi bà lại hồi lại, sức khỏe thì ổn định nhưng gần như giờ chỉ nhớ được mỗi tên con cháu. Bà dọn vào viện dưỡng lão để có y tá bác sĩ để mắt. Sau khi bà chuyển vào viện dưỡng lão thì cả nhà phải dọn hết đồ đạc ở nhà cũ đi để chuẩn bị bán. Cứ nghĩ là nhanh thôi nhưng trời ơi đụng đến góc nào cũng thấy đủ thứ đồ được tích lại chắc cũng phải hơn 30 năm, cả nhà chưa bao giờ chuyển đi đâu nên cũng chẳng có lí do gì để tự dưng mọi người giải phóng bớt đồ cả. Bà giữ đủ thứ, từ cái quần áo chồng mình mặc hồi bé tí 2, 3 tuổi tới những tờ giấy trẻ con vẽ nguệch ngoạc; tới chén bát đĩa sứ đồ vật trang trí; rồi không những thế mà còn mười mấy thùng đồ từ thời bố mẹ, ông bà chắc phải những năm ‘20s, ‘30s, v…v. Mất thời gian đóng thành thùng thì đã đành nhưng cái mất thời gian nhất là việc phải cân nhắc xem cái nào bỏ cái nào giữ: có những thứ bỏ đi thì tiếc vì toàn đồ kỉ niệm, biết là bà quý những thứ đấy nên chẳng bao giờ lôi ra dùng mà toàn bày trên tủ, nhưng mà giữ lại thì nhà mình không có chỗ. Dọn nhà mẹ chồng xong càng làm mình tự hứa với mình là cố gắng không tích trữ đồ để sau này con mình nó không phải bận tâm với chuyện nên bỏ hay giữ đồ của bố mẹ nữa.

Tuy vậy, chỉ mỗi đồ đạc không thôi cũng còn dễ vì mặc dù nó gắn với kỉ niệm thật nhưng nó vẫn là vật ngoài thân. Vừa nãy trong lúc thiền, khi ngồi soi chiếu kĩ hơn và tự hỏi bản thân là ‘Nếu không phải là đồ đạc thì mình có đang cố gắng nắm giữ cái gì khác không?’, và thế là một loạt những kí ức cũ, những người quen thân cũ, thậm chí cả những khách hàng những ngày đầu tiên, mọi thứ ùa về như những flashbacks. Mình mới nhận ra là chúng ta đã và đang mang theo nhiều ‘thứ’ tới mức nào, mà nhiều thứ chúng ta giữ trong tâm trí, cảm xúc mới là thứ khó đặt xuống để move on. Rồi cũng nhiều thứ mà chúng ta cứ lần lữa định nói nhưng lời nói lại bị nuốt lại vào trong; nhiều câu yêu thương không dám bày tỏ; nhiều những hiểu lầm không được giãi bày; nhiều giận dữ, thù ghét mà không ai chịu nhường ai; v..v. Đó mới là những chấp niệm, ‘attachments', chúng ta giữ khư khư hàng năm, thậm chí cả đời cho tới khi nhận ra sắp hết thời gian mà chưa thể hóa giải.

Từ ‘attachment' trong tiếng Anh rất hay: nó vừa để chỉ các linh hồn vẫn còn lưu luyến, luẩn quẩn với trần gian; nhưng ‘attached' cũng có nghĩa là gắn bó, gắn kết. Cũng đúng thôi vì phải có sự kết nối, gắn kết thì chúng ta mới cảm thấy khó buông; khó buông ngay cả khi mình không còn thân xác nữa. Cõi giới mà linh hồn sau khi chết đi sẽ ở đó một thời gian được gọi là ‘Kamaloka’ (có chỗ viết là ‘Kamaloca': ‘Karma' là nghiệp quả, ‘loca' là ‘location', nơi chốn. Kamaloca là nơi linh hồn có dịp nhìn lại hết các karma trong cuộc đời vừa qua).

Thế nhưng để bảo là học cách không bám chấp, ‘non-attachment' hoàn toàn cũng thật khó vì bản chất của cuộc sống này là xây dựng và học từ những sự gắn kết. Không có những sự kết nối này thì có lẽ chúng ta cũng không cần phải quay trở lại trường học Trái đất khó khăn này làm gì. Mình cũng tin là tất cả các môn tu tập khi nhắc tới việc học cách ‘không bám chấp' cũng không với hàm ý rằng chúng ta nên buông bỏ hoàn toàn cuộc sống trần gian, mà đó là tinh thần, thái độ để nhắc chúng ta hãy để cho mọi thứ được lưu thông theo dòng chảy, đừng cứ giữ khư khư mãi một thứ gì đó khi đã tới lúc để chúng đi: một đồ vật, một người, một niềm tin, một định kiến, một lời nói, hay kể cả là cơ thể này khi thời gian đã tới…

‘Cuộc sống vẫn luôn tiếp diễn’ - ‘Life will always go on' - tiếp diễn ngay cả khi chúng ta qua đời chứ không phải cứ ‘chết là hết'. Thỉnh thoảng mình cứ hình dung mình sẽ muốn những ngày cuối cùng trong cuộc đời lần này như thế nào, thì mình chỉ ước mong một cảm giác thanh thản, nhẹ nhõm: không có quá nhiều đồ đạc để phải bận tâm; tất cả những gì mình muốn nói mình đều đã nói; tất cả những gì mình muốn làm thì ít nhiều cũng đã được thực hiện. Và để bảo rằng mình muốn để lại điều gì thì chắc chỉ là một tình thương và sự biết ơn với cuộc đời. Một sự thanh thản để đi tiếp hành trình và để rồi lại quay trở lại lần nữa…

Phương ❤️

☽☾☽

Ảnh là một đoạn nhỏ trong quyển sách mình đang đọc có tên là ‘Unseen Forces' (của Manly P.Hall), mình up lên trong Dropbox nếu mọi người muốn tải về đọc. Chương này nói về các linh hồn còn bám chấp với trần gian. Mình dịch thoáng nghĩa đoạn nhỏ trong ảnh này nhé:

‘Tất cả những thực tế (về các linh hồn còn luẩn quẩn ở trần gian) nói trên dạy chúng ta một bài học lớn, đó là về: thái độ sống đúng đắn và học cách không bám chấp. Những ai mà khi còn sống đã sống một cách tốt nhất có thể thì sẽ không phải bận tâm về việc quay trở lại để cầu xin tha thứ, hay ám ảnh những người mà khi còn sống anh ta đã làm điều sai để chờ mong một sự giải thoát. Những người khi còn sống không bị bám chấp (từ ở đây là ‘attached') với những thứ vật chất ở cõi trần cũng đi thẳng tới với các Masters để làm tiếp những công việc ở nơi đó. Nhưng cũng phải nói lại là nếu người sống cứ khóc than nuối tiếc cho người đã chết, ngày đêm khát khao mong họ quay trở lại thì chúng ta cũng đã vô tình khiến họ không thể đi tiếp tới với những nhiệm vụ và trọng trách khác mà họ phải làm'.

☽☾☽

✦ Link tải quyển ‘Unseen Forces' này: https://www.dropbox.com/scl/fi/zencgeczatxh4wwluahiw/Unseen-Forces-Manly-P.-Hall.pdf?rlkey=5ajccghx2vu8o7lbr2jd12rbv&dl=0

✦ Mục lục các bài viết cũ và câu chuyện của mình và về channelling/dẫn kênh, mọi người xem ở đây nhé: www.phuongngo.co

Previous
Previous

Con đường ‘làm nghề' (phần 2): ‘Working state' và chuyện tiền bạc

Next
Next

Karma tập thể, ‘Yolo' và con đường tiến hóa của linh hồn (phần 4)