Karma tập thể, ‘Yolo' và con đường tiến hóa của linh hồn (phần 4)
‘Yolo' là viết tắt của câu ‘You only live once' - ‘Bạn chỉ sống có một lần', và vế đằng sau thường là ‘vì vậy hãy sống hết mình đi.’
Nhưng thực ra thì chúng ta không chỉ sống có một lần! Hầu như ai trong số chúng ta đều ít nhiều có niềm tin về một sự tái sinh, về thế giới linh hồn vì chắc chắn không ai tin là chúng ta ở đây không chỉ có mỗi nhiệm vụ đi học, đi làm, kiếm tiền, rồi lập gia đình, sinh con, và cuộc sống cứ thế đều đều trôi đi cho tới khi chết đi. Chắc chắn đã có lúc chúng ta tự hỏi những giấc mơ dù chắp vá, không đầu không đuôi của mình đến từ đâu? Tại sao lại có những giấc mơ mà khi tỉnh dậy, cảm giác nó còn ‘thật' hơn cả cuộc sống thật? Tại sao có những nơi chốn, cảnh vật, những người mình vô tình gặp gỡ hay những hình ảnh thoáng qua dù chỉ là trong phim cũng gợi lên một cảm giác quen thuộc như thể mình đã ở đó rồi, quen biết người đó rồi?
Chúng ta không chỉ sống có một lần, và mỗi lần mình quay trở lại đây với một chiếc áo khác, cơ thể khác nhưng linh hồn của mỗi người mang theo những đặc thù, tính chất, dấu ấn, kí ức, bài học, khả năng, món quà, karma, v..v là kết quả của tất cả những gì chúng ta đã từng là trong vô số những cuộc đời trước đó.
Mình dịch một đoạn ngắn trong phần bài giảng và hỏi đáp về ‘Karma và đầu thai' của Rudolf Steiner có liên quan tới những tai nạn tập thể, có lẽ cũng là câu hỏi mà nhiều người quan tâm, nhất là sau chuyện vừa xảy ra. Một phần lớn những bài giảng và nghiên cứu mà Steiner để lại là về sự tái sinh, đầu thai, karma của linh hồn bởi vì chỉ khi nhận ra sự vĩnh cửu trường tồn của linh hồn, hiểu rằng linh hồn chỉ bỏ lại chiếc áo tạm thời chứ không biến mất hoàn toàn, ông mong rằng nó sẽ thắp sáng lại niềm tin và kí ức mà nhân loại tạm thời quên mất. Và với mình, khi nhận ra rằng chúng ta không chỉ sống có một lần mà tất cả những gì chúng ta đã và sẽ gieo trồng sẽ để lại quả ở những cuộc đời sau, mình cảm thấy có trách nhiệm và có ý thức hơn rất nhiều với những suy nghĩ, những gì mình làm, với thời gian mình sử dụng, và với những gì mình muốn để lại ngay cả khi rời bỏ ‘tấm áo' này.
Mọi người đọc câu hỏi và câu trả lời của Steiner ở dưới nhé.
-------
‣ Câu hỏi: ‘Nhân triết học (Anthroposophy) nghĩ thế nào về cái gọi là ‘ngẫu nhiên'? Tôi không thể tưởng tượng rằng karma của mỗi cá nhân lại có thể được định sẵn như thế nào để mà năm trăm người cùng bị cướp đi mạng sống trong một vụ hỏa hoạn nhà hát'.
‣ Steiner trả lời:
Luật nhân quả rất phức tạp tới mức chúng ta không nên quá ngạc nhiên khi có những thứ xảy ra mà những gì con người nhận định về chúng thoạt tiên có vẻ mâu thuẫn với những gì chúng ta đã hiểu về luật này. Chúng ta phải hiểu rằng những gì chúng ta hiểu về luật nhân quả, nó vẫn nằm trong giới hạn của những hiểu biết mà chúng ta thu được và quán chiếu lên từ thế giới vật chất. Tuy nhiên, luật nhân quả lại thuộc phạm trù của thế giới linh hồn (higher worlds). Do đó, nếu chúng ta cố gắng để hiểu một sự kiện theo góc độ mà chúng ta nhìn luật nhân quả như là cách chúng ta nhìn công lí được áp dụng hoàn toàn cho thế giới vật lí này, thì chúng ta sẽ vấp phải rất nhiều những mâu thuẫn.
Chúng ta cũng phải hiểu một điều nữa là trong thế giới vật lí, nhiều người cùng chịu tác động bởi một sự kiện thì có thể ở thế giới linh hồn, sự kiện ấy mang lại ý nghĩa hoàn toàn khác nhau đối với mỗi cá thể linh hồn. Chỉ có khi chúng ta nhìn sâu hơn vào thế giới linh hồn thì mới có thể đưa ra thông tin về từng trường hợp. Nếu karma của năm trăm người trở nên có hiệu lực sau tai nạn chung trong vụ hỏa hoạn nhà hát, một vài lí do có thể xảy ra đó là:
✦ Một là: Không phải tất cả năm trăm người đó đều phải có quan hệ nghiệp quả với những người khác. Tai nạn chung tác động tới karma của mỗi người cũng giống như là cái bóng của 50 người cùng phản chiếu lại trên tường đều là của cá nhân mỗi người đó. Những người này không có gì liên quan tới nhau trước đó một giờ, và họ cũng không có gì liên quan tới nhau sau đó một giờ. Tai nạn mà họ trải qua cùng nhau khi gặp nhau tại cùng một thời điểm, nơi chốn sẽ để lại tác động tới mỗi cá thể, giống như ở ví dụ trên về cái bóng trên tường. Nếu ai đó cố gắng giải thích theo hướng cố tình tạo ra sợi dây liên kết giữa các hình bóng này lại với nhau thì sẽ đi sai hướng.
✦ Hai là: Có thể rằng tai nạn chung mà năm trăm người cùng trải qua không có gì liên quan tới karma của họ trong quá khứ, nhưng có thể rằng thông qua trải nghiệm chung này, có một thứ đã được chuẩn bị và sắp xếp để gắn họ lại về mặt nghiệp quả trong tương lai. Có thể năm trăm người này trong tương lai sẽ cùng nhau trải qua một nhiệm vụ, mà qua tai nạn vừa xảy ra, nó để lại tác động trong thế giới linh hồn. Chúng ta đã nghiên cứu rất nhiều trường hợp mà nhiều hội nhóm được thành lập hiện nay được bắt nguồn từ việc các thành viên đã cùng nhau trải qua một hoàn cảnh, tai nạn trong quá khứ xa xôi.
✦ Ba: Có rất rất nhiều những khả năng khác có thể xảy ra. Trong thế giới vật lí, cũng dễ hiểu khi nhìn một vài hiện tượng và cho đó là một sự ‘ngẫu nhiên', nhưng khi tính đến tất cả các thế giới (linh hồn và vật chất), chúng ta sẽ thấy không có gì là ‘ngẫu nhiên' như cách mình nhìn thấy nó từ phía bên ngoài. Ví dụ, nếu một viên gạch rơi từ trên mái nhà trúng đầu tôi và làm tôi bị thương, nó không hẳn là do tôi đã làm gì đó trong quá khứ. Rất nhiều người bị mắc sai lầm ở chỗ này khi cho rằng luật nhân quả quá đơn giản, như là ví dụ nếu một viên gạch làm ai đó bị thương thì đó là do anh ta đã làm gì trong quá khứ và giờ phải chịu kết quả. Nhưng không hẳn là vậy. Trong đời sống của mỗi người, mọi chuyện đều có thể xảy ra mà không phải chỉ do kết quả từ trong quá khứ. Những sự kiện đó sẽ cho kết quả trong tương lai. Một điều chắc chắn đó là: không có gì xảy ra mà không có sự cân bằng về nhân - quả. Tuy nhiên, để xem xét từng trường hợp cụ thể để phân định được chuyện xảy ra với một người là do karma từ quá khứ hay là tác nhân cho karma tương lai thì phải xem xét kĩ từng trường hợp. Và nó không thể dùng những hiểu biết trong thế giới vật chất để áp dụng lên các luật lệ và nguyên tắc bắt nguồn từ thế giới linh hồn.
[Kết phần trích dịch]
✦ ✦ ✦
Cũng là Steiner, ông nói: ‘Lí do chính mà chúng ta ở đây đó là cho sự phát triển của linh hồn mà chúng ta không thể tìm thấy điều này ở bất cứ nơi nào khác'. (Nguyên văn: ‘The main reason why we are here is for our spiritual development that we can’t otherwise gain from other system’).
Steiner có lí do khi dùng từ ‘system' - ‘hệ thống' ở đây vì ông đang nói tới các chu kì phát triển trong con đường tiến hóa của cả Trái Đất lẫn trong hệ mặt trời chúng ta đang sống - mình có nhắc đến qua trong hai phần đầu tiên của chuỗi bài này, mình sẽ trích lại link ở dưới. Đó là tại sao mình không đồng ý với ‘thuyết starseed' như nhiều người hay gọi vì nó giải thích cho cảm giác của nhiều người khi cảm mình không gắn bó với nơi này, không thuộc về nơi đây. Chúng ta không thể dùng tâm linh như một nơi để chạy trốn khỏi việc phải làm việc với bản thân. Nhưng chuyện này sẽ để dành sang một bài viết khác sau, mình cũng đã viết một bài về ‘spiritual bypassing’ rồi mọi người đọc lại trong link ở dưới nhé.
Phương
-----------
Bài viết đọc thêm:
‣ Link bài gốc phần Hỏi đáp của Steiner:
https://rsarchive.org/.../English/AP1962/ReKarm_e01.html
‣ Con đường tiến hóa của linh hồn (phần 1): https://www.facebook.com/PhuongNgo.ChannelingSpirits/posts/pfbid0zFFqVYAVjUPowiXiM8y1Jq5EjFK85tw8isXeEkSZKJQzhiafcZCG6Tv766Mo5Kq3l
‣ Con đường tiến hóa của linh hồn (phần 2):
‣ Con đường tiến hóa của linh hồn (phần 3):
‣ Tâm linh kiểu tránh né (‘spiritual bypassing') và thế nào là quá trình thăng lên ('ascension') thật sự?