Tổn thương phụ nữ liên thế hệ (nhân ngày vừa xem xong podcast Have A Sip số đặc biệt ngày 8/3)

Tổn thương phụ nữ liên thế hệ (nhân ngày vừa xem xong podcast Have A Sip số đặc biệt ngày 8/3)


-


Mình chưa xem tập Have A Sip nào cả dù biết và mọi người gửi link cho nghe cũng nhiều. Nhưng sáng nay trên FB hiện ra số mới nhân ngày 8/3 với ba speakers là ba người phụ nữ của gia đình chị Thùy Minh: mẹ, chị ấy và con gái, nên mình bật lên xem.


Biết nói gì nhỉ?


Đầu tiên thì podcast cũng đúng như những gì mình hình dung về nó. Bảo có đúng với kỳ vọng không thì chắc là không, nhưng cái này là do mình vì trước khi xem mình đã hi vọng sẽ bắt được vài khoảnh khắc xúc động chữa lành trong đó, do đây là cuộc nói chuyện giữa mẹ và con gái mà.


Xem xong mình thấy bị… tê (numb). Mình biết không phải do bản thân mình bị tê liệt cảm xúc, mà do cảm nhận được nhiều tổn thương bị kìm nén và chôn giấu trong hai người phụ nữ mà hẳn là trong một chương trình public thế này chẳng ai muốn nhắc tới quá sâu cả. Mặc dù cũng có những câu hỏi rất chạm và có thể trigger nhiều sự bộc bạch chữa lành như: Có điều gì mẹ muốn con thay đổi không? Khi người ngoài nói về con mẹ nghĩ thế nào? Hay như lúc chị Minh hỏi bé Midori: ‘Mẹ với bà ngoại không gần gũi với nhau. Con nghĩ mẹ phải làm gì để gần bà hơn?’


(Tuy rằng mình sẽ không đem câu này đi hỏi con nhà mình cũng trạc tuổi Midori vì tuổi đó nhận thức chưa đủ chín để hữu hình hóa những khái niệm trừu tượng như thế nào là tổn thương, chữa lành, hàn gắn, v..v.)


-


Nhiều sự tổn thương liên thế hệ xuất phát từ việc người con cố gắng thoát khỏi một danh tính (identity) được cha mẹ gán xuống. Vài lần mẹ chị Thùy Minh liên tục nhắc đến và so sánh là ‘Con cá tính hơn em Linh’; ‘Mẹ không cá tính bằng con’; hay lúc chị Minh hỏi ‘Mẹ có nghĩ là con sẽ vượt qua được những khó khăn đấy không?’ thì mẹ chị ấy nói: ‘Mẹ biết con sẽ vượt qua được, vì con cá tính mà.’


Mình đã từng bị định nghĩa hệt như vậy. Cứ như cá tính, nổi loạn là một cái thẻ xanh cho mình quyền được làm những thứ khác người - hay là một lý do, một lời bào chữa để giữ thể diện cho gia đình. ‘À, vì con bé nó cá tính nên mới làm vậy.’ Ý là những thứ dễ bị dị nghị đàm tiếu.


Tới bây giờ mình đã hiểu là sự cá tính bên ngoài đó chỉ để che giấu một nội tâm đầy tổn thương, cần được lắng nghe và chỉ muốn được bố mẹ chấp nhận và nhìn nhận mình như mình vốn là. Tự hào về mình.


Đó cũng là điều mình đã kỳ vọng có thể sẽ nghe được trong 56 phút podcast. Một câu nói: ‘Mẹ tự hào về con’, hay là ‘Dù người ngoài có nói thế nào thì mẹ vẫn tin con’ chẳng hạn.


-


Sự chữa lành cần nhiều hơn một số podcast. Và chắc cũng cần cả sự riêng tư để khơi thông những ‘mạch nước ngầm’, để mỗi người được bộc bạch suy nghĩ thật, cảm xúc thật mà không lo ngại rằng mình nói thế này có nên không, có được không, người nghe sẽ nghĩ gì, v.v.


Tuy vậy, tập này cũng nhen nhóm lên trong mình những câu hỏi mà một ngày nào đó đủ dũng cảm mình cũng sẽ đem đi hỏi mẹ - sẽ không phải ở vai trò là mẹ/con mà chỉ như hai người phụ nữ đang chuyện trò với nhau thôi…


Vì có những thời điểm, mình cảm giác như mình mới đang 'là mẹ' cho mẹ của mình vậy

.

.

Phương

Previous
Previous

Chúng ta có đang dịch sai thông điệp mà spirit guides gửi tới?

Next
Next

[Bức thư gửi mẹ]