‘Shadow work’ là gì? Tại sao nó lại khó đến vậy? Và tại sao nó cũng quan trọng đến vậy?

Nếu nói về tâm linh mà chỉ toàn nói về ‘love & light’ - tình yêu và ánh sáng - mà không nói đến phần tối (‘shadow work’) thì sẽ là một thiếu sót lớn và cũng là một sự giả tạo, trốn tránh rất lớn.

▪︎ ‘Phần bóng tối’ đa phần được hình thành từ những tổn thương thời thơ ấu, những tổn thương thế hệ, đây cũng là cái khó đối diện nhất và cũng khó chữa nhất vì nó bắt mình nhìn thẳng trực diện vào gốc rễ vấn đề. Những lời khuyên bề mặt kiểu như ‘cứ yêu bản thân mình vô điều kiện trước’ thì sẽ dễ cảm thông, yêu thương người kia nghe thì hay nhưng mình nói thật rất rất khó!! Khi một mớ hỗn độn bao gồm sự tức giận, oán trách vẫn còn nằm đấy mà bảo mình phải đối xử với người kia bằng sự yêu thương giả tạo bề mặt thì sẽ có hai khả năng: một là chúng ta cố tình lờ đi để rồi đến khi khác nó lại bị tác động thì sẽ lại trồi lên; hai là tự đổ lỗi cho bản thân mình. Tại sao mình lại không biết yêu thương? Có phải mình bị vô cảm? Có phải mình là đứa con bất hiếu không biết yêu thương cha mẹ mình? Tại sao những người khác có một tuổi thơ hạnh phúc mà mình thì không? Tại sao trong mình lại có nhiều sự giận dữ như thế này? Nếu mình thể hiện những cảm xúc tiêu cực này ra liệu người khác có chấp nhận con người thật của mình không?

▪︎ Một bạn hôm trước hỏi spirit guides câu này và câu trả lời của guides là cái khiến mình suy nghĩ rất nhiều. Bạn hỏi, ‘Tại sao con không thể thể hiện sự yêu thương thật lòng với gia đình con? Con biết con cần cảm thông với họ nhưng tại sao con không cảm thấy tình yêu? Có gì đang chặn con lại?’. Spirits bảo thế này: ‘Con không thể đi tới hũ vàng mà không phải đi qua con rồng đang đứng chắn trước cửa. Ở trong con đang có một ngọn núi lửa âm ỉ chực phun trào, con dùng vải để che phủ ngọn núi lửa đấy được trong bảo lâu? Con phải để cho ngọn núi lửa phun hết nham thạch ra đã rồi mọi thứ mới yên ắng trở lại.’

▪︎ Mình hiểu ý của họ là chúng ta phải để cho những cảm xúc tức giận, oán trách có cơ hội xả hết đã rồi sau đó mới có thể lấp đầy bằng những cảm xúc khác. Đừng coi thường sức mạnh của ngọn núi lửa đang âm ỉ cháy bên trong bạn. Mọi người cứ nghĩ mình làm công việc này thì phải bình tĩnh lắm nhưng sự thật là không phải lúc nào cũng thế. Có những lúc mất bình tĩnh, quát con xong nhìn gương mặt nó đang mếu máo bảo, ‘Mẹ không cáu nhé!’ mà mình chợt khựng lại tự hỏi, ‘Mình đang làm cái gì thế này?!?’. Chẳng phải đây là cái mình bị ám ảnh nhất cả thời thơ ấu hay sao, tại sao mình lại đang vô thức lặp lại chính những gì mình ghét nhất? Có bao giờ bạn thế không? Có bao giờ bạn tự nhủ không được lặp lại những điều bạn không thích nhất từ bố mẹ mình nhưng lại vô tình yêu, cưới người có tính cách y hệt? Có bao giờ bạn ghét bị nghe người khác phủ nhận cảm xúc của mình nhưng lại quay sang nói với đứa con đang đứng trước mặt khóc lóc là ‘Nín ngay! Có thế mà cũng phải khóc?’ không?

Có vài thứ mà spirits muốn nói về ‘shadow work’ – ‘phần bóng tối’ như thế này:

▶︎ Không phải lúc nào linh hồn của bố mẹ và con cái cũng ở cùng mức độ tiến hoá về mặt nhận thức. Cái mình không nhìn thấy đó là bản thân bố mẹ mình cũng có rất nhiều tổn thương, cảm xúc bị đè nén cần chữa lành mà họ không biết làm sao để giải toả và đối diện. Cách duy nhất họ biết là thông qua hình phạt (đòn roi), lời nói để bảo vệ cái tôi bản ngã của họ. Khi chúng ta nhìn họ ở góc độ một linh hồn khác cũng đang sứt mẻ cần chữa lành, cần thời gian để chuyển hoá tâm thức mà không phải ở vai trò bố/mẹ/người thân của mình, chúng ta sẽ dễ cảm thông với những gì họ nói, họ làm hơn.

▶︎ Cách duy nhất để chữa lành tổn thương (‘shadow work’) đấy là đối diện và quan sát. Không phán xét khi những cảm xúc tiêu cực trồi lên, không chặn nó lại, ỉm đi hay dẹp nó sang một bên. Như ngọn núi lửa cần phun trào hết ra, sự tức giận, oán trách, các cảm xúc đang trồi lên mạnh mẽ ở bên trong cũng cần có chỗ để xả. Có thể không phải bằng cách đáp lại người kia bằng những lời nói gây tổn thương ngược lại mà bằng cách để cho cơ thể của mình được toàn quyền cảm nhận những cảm xúc đó. Nếu muốn khóc thì cứ khóc; nếu giận dữ thì có thể hét to, đấm vào gối, xé giấy; thiền tĩnh lặng quan sát các suy nghĩ, nỗi buồn đang nổi lên, đi bộ, viết nhật kí, v…v.

▪︎ Trong tất cả các lần nếu kết nối được với higher-self của bố/mẹ của mọi người, tất cả họ đều có một thông điệp chung đấy là họ yêu thương chúng ta rất nhiều, chỉ là cách họ thể hiện sự yêu thương đó không như cách chúng ta muốn và kì vọng, và họ xin lỗi vì những tổn thương họ đã vô tình gây ra cho chúng ta, họ cũng mong chúng ta có thể tha thứ để cả hai cùng được tiếp tục hành trình (‘move on’). ‘Shadow work’ không phải là kì vọng đến một ngày bố mẹ mình sẽ đứng trước mặt và bảo ‘Bố mẹ xin lỗi con, bố mẹ sai rồi’, mà là việc tới được thời điểm chúng ta có thể chấp nhận những phần chưa hoàn hảo bên trong mình, chấp nhận sự tức giận đang cháy ngùn ngụt bên trong mình, chấp nhận rằng công việc tự chữa lành không phải chỉ một sớm một chiều mà là quá trình lâu dài nhưng sau mỗi thời điểm chúng ta sẽ vững vàng thêm một chút. Điều quan trọng nhất vẫn luôn là tìm thấy sự bình an nội tâm, bóc được từng lớp hành để về lại phần lõi. Đối với mình đây mới chính là gốc rễ của tâm linh chứ không phải là những gì cao siêu mà chúng ta phải đi kiếm tìm ở bên ngoài

---

Mình kết lại bằng một bài viết cũ. Dũng cảm lắm mới có thể đối diện và viết ra những dòng này, mình mong bức thư này sẽ truyền cảm hứng cho bạn: https://www.phuongngo.co/blog/i-din-vi-phn-ti-bn-trong-mnh-

Previous
Previous

'Spirits không thích mặc cả!'

Next
Next

‘Phải làm công việc cụ thể gì để kiếm sống?’