Sống thật, nói thật & người nổi tiếng
- Sống thật, nói thật & người nổi tiếng
Ghi chép lại vài suy nghĩ của mình gần đây. Càng đi sâu vào chủ đề sống thật, nói thật này mình càng thấy có những vùng xám rất khó gọi tên.
**
Tháng trước ở Hà Nội mình đi hiệu sách với một người bạn. Bạn bảo mình là: ‘Em cố gắng hạn chế mua sách của Nhã Nam vì vụ lùm xùm quấy rối năm ngoái.’ Chuyện này hình như không có báo nào đưa tin nhưng mọi người tìm lại FB chắc vẫn thấy. Tréo ngoe thế nào mà cuốn đầu tiên đập vào mắt mình có tên là ‘Văn hóa tính dục ở Việt Nam’ của Nhã Nam. Mình vẫn mua nó vì muốn đọc về chủ đề này.
Một chuyện nữa là về tác giả của Harry Potter, J.K.Rowling. Cổ có nhiều phát ngôn rất bảo thủ gây tranh cãi về giới tính, tính dục, và đặc biệt là về vấn đề chuyển giới. Ví như cổ bảo người chuyển giới nữ (trans women) không là phụ nữ, và có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ hợp giới (giới tính sinh học đồng nhất với bản dạng giới), đặc biệt là trong không gian riêng tư như phòng thay đồ và nhà vệ sinh. Cổ không đồng tình với việc một người phụ nữ có thể tự định dạng giới tính cho mình như họ muốn, trừ phi có lý do y khoa. Còn nhiều phát ngôn nữa khiến cổ bây giờ bị gọi là người kỳ thị giới tính, là anti của cộng đồng LGBTQ+. Những phát ngôn này tuy chỉ là quan điểm cá nhân và cổ phát biểu trên trang của cổ thôi nhưng gây ra rất nhiều làn sóng chỉ trích, trong đó dàn cast bộ 3 nhân vật chính của Harry Potter đều công khai lên tiếng phản đối, đứng về phía cộng đồng LGBTQ+ và giữ khoảng cách với cổ.
Mấy scandal gần đây về chuyện đời tư, tình cảm, đạo đức của người nổi tiếng cũng khiến mình nghĩ mãi về việc là:
[?] Khi nào thì nhân cách, đời tư của một người có tầm ảnh hưởng sẽ đủ tạo thành cơ sở để chúng ta ra quyết định có nên ủng hộ hay tẩy chay những sản phẩm, dịch vụ do người đó đại diện hay không?
Và khi nào thì việc sống thật, nói thật, lại có thể trở thành con dao hai lưỡi cần/nên được tiết chế?
***
Cô J.K.Rowking cũng chỉ nói quan điểm của cổ thôi. Cổ cũng thẳng thắn chia sẻ đã từng là nạn nhân của bạo hành và xâm hại tình dục. Nếu là người khác thì chắc người ta cũng chỉ coi là một quan điểm cá nhân, nhưng đây lại là J.K.Rowling, tác giả của bộ truyện trẻ em nổi tiếng, và do đó bị phản đối vì quan điểm có thể gây tác động ảnh hưởng tới công chúng.
Hay như chuyện nội bộ của một cá nhân công ty thì có thể cũng chỉ dừng lại ở chuyện nội bộ thôi. Nhưng đấy lại là scandal về đạo đức trong một công ty xuất bản sách, được kỳ vọng là mang lại tri thức, giá trị cho cộng đồng, có lẽ vậy nên mới tạo nên sự phản ứng?
Hay là livestream đối chất thu hút tới 5 triệu lượt views tuần trước (mà mình vẫn không hiểu tại sao có thể nhiều thế!) - khi nào thì việc ‘đối chất’, nói ra sự thật sẽ tiệm cận ngưỡng phản cảm?
***
Điều mình thấy khó nhất khi nói về ‘sống thật’ là ranh giới giữa những gì cá nhân muốn thể hiện ra để khẳng định bản sắc riêng của mình (‘đây là con người tôi!’) và ý thức về cộng đồng. Điều này càng rõ hơn đối với người nổi tiếng, mọi lời nói và hành động của họ không còn chỉ thuộc về họ nữa. Chúng có sức nặng, có tác động, có hệ quả.
Nhưng nên tách biệt tác phẩm, sản phẩm với con người đứng sau nó đến mức nào? Và một người có tư tưởng, quan điểm, đạo đức ‘có vấn đề’ liệu có thể vẫn cho ra đời các sản phẩm chất lượng truyền cảm hứng được không?
Khi nào chúng ta có thể du di cho qua, coi như scandal chỉ là một tai nạn sảy chân sảy miệng, và khi nào thì chúng ta nhận ra có sự không đồng nhất giữa con người bên trong & những gì được thể hiện bên ngoài?
Mọi người có suy nghĩ gì về chuyện này không?
Phương