Dành cho những người làm solo: hai điều kiện tiên quyết mà ít ai nói cho bạn (từ góc độ tâm linh)

Dành cho những người làm solo: 2 điều kiện tiên quyết mà ít ai nói cho bạn (từ góc độ tâm linh)

-

Hôm kia mình nói chuyện với một bạn coach về chuyện sắp tới đây sẽ có ‘nhà máy' sản xuất content theo dây chuyền. Có công thức để tạo viral, dùng thuật toán, dùng AI để viết nháp rồi tinh chỉnh lại. Hôm qua mình cũng thử prompt AI viết một bài, trong 30 giây nó tuôn ra được một nội dung mà mình tin chắc nếu đăng thì khả năng tạo được lượt share rất cao vì hội đủ mọi yếu tố: các bước đơn giản dễ thực hiện; đầu mục nhỏ dễ đọc; các dẫn chứng chuyên môn mang tính thuyết phục. Người đọc dễ tính sẽ không thể nào nhận ra là do AI viết!

Solopreneur là từ mới, thay vì vốn dĩ nó là ‘làm nghề tự do', ‘kinh doanh tự do', ‘self-employed’, thì giờ được gọi là ‘kinh doanh từ chính chuyên môn của bạn'. Những người làm coach, healer, tâm linh, v..v. cũng nằm trong nhóm gọi chung là solopreneur này.

Nhưng có hai thứ quan trọng lắm lắm mà ít công thức nào nhắc tới, có chăng chỉ nhắc tới trong từ ‘chuyên môn'. Vậy nhưng đây lại là thứ tiên quyết để đi được con đường solo lâu dài và bền bỉ, đấy là:

1. Đam mê
2. Động cơ

---

Chuyên môn có thể đến từ việc nghiên cứu, am hiểu sâu về một lĩnh vực. Bạn có thể đọc nhiều sách, học nhiều khóa học, đưa ra các dẫn chứng chuyên môn từ những người đầu ngành để tạo độ tin tưởng. Chuyên môn có thể bắt nguồn từ đam mê, nhưng cũng có thể không.

Còn đam mê khởi nguồn sẽ chỉ là bạn thích làm một thứ chỉ vì nó đem lại cảm giác hân hoan reo vui từ tận trái tim. Đam mê sẽ tạo động lực thúc đẩy bạn tìm hiểu sâu về một lĩnh vực, mày mò tìm tòi làm thử, và nó sẽ tạo thành chuyên môn. Sẽ không cần phải nhắc bạn là ‘Áp dụng công thức nhưng đừng quên trau dồi chuyên môn nhé'. Nếu đã thích thì sẽ tìm mọi cách để làm. Ngược lại, nếu tự mình không cảm thấy đủ thôi thúc và động lực muốn tìm hiểu sâu về lĩnh vực ấy thì đó có phải là đam mê thật sự của bạn không? Mọi người hiểu ý mình chỗ này không?

Vậy mà nếu hỏi: ‘Chuyên môn của bạn là gì?’ có khi lại dễ trả lời hơn là ‘Đam mê của bạn là gì?’. Hôm qua trong group kín Slow Down, có topic vui để mọi người ghi ra 3 thứ mình thích. Bài tập nhỏ mà nó khó hơn chúng ta nghĩ. Liệt kê thứ mình không thích dễ hơn là thứ mình thích.

---

Đam mê quan trọng lắm vì đi con đường solo ko phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Thất bại, khó khăn là chuyện đương nhiên, thậm chí tỉ lệ 1-1 với thành công. Chúng ta nhìn thấy thành công của người khác nhưng không biết đằng sau đó họ đã thất bại bao nhiêu lần.

Bạn sẽ gặp những khách hàng khó tính. Những ca làm việc trắc trở. Những con người thực tế với các vấn đề thực tế. Những người chưa bao giờ biết tới các khái niệm tâm linh, chữa lành, làm việc với bản thân là gì. Những người bạn phải lùi lại để đứng từ vị trí họ đang ở tại, chấp nhận rằng mỗi người đều đang ở tại những thời điểm khác nhau và có thể bạn với họ chưa khớp với nhau vào lúc này. Còn chưa kể những ngày tháng bạn sẽ không có khách hàng. Bài viết không có ai đọc. Những lần bị từ chối. Những lần bị hiểu nhầm. Những lần bị xúc phạm.

Những thứ ấy xoáy sâu vào tổn thương lớn nhất của gần như tất cả những ai làm solo, đó là: self-doubt. Sự nghi ngờ bản thân.

---

Thành công sẽ cho bạn tin hơn vào khả năng của mình, nhưng thất bại sẽ giúp bạn nhìn thấy rõ động cơ của mình khi làm công việc bạn đang làm.

Những lúc im ắng, những lúc thất bại, bạn có còn muốn show up không? Bạn có vẫn giữ được ngọn lửa trong tim để duy trì việc xuất hiện, viết bài, chường mặt ra không? Bạn có vẫn còn tha thiết muốn ngồi với khách hàng không? Có còn yêu những người bạn đang phục vụ không? Có còn thấy sự hân hoan nhiệt huyết của những ngày đầu vẫn còn âm ỉ cháy trong mình không?

Chẳng phải ngẫu nhiên người ta bảo 5 năm đầu trong mọi cuộc hôn nhân sẽ là giai đoạn khó khăn nhất. 5 năm đầu trong mọi công việc mới cũng sẽ cho bạn thấy toàn bộ quá trình lấy đà, tăng tốc, cực điểm, thoái trào. Khi thoái trào, bạn có còn sẵn sàng xuôi theo dòng, để trái tim mình dẫn dắt xem cần phải chuyển hướng thế nào không?

Những thứ đó, các solo coach nào có thể dạy bạn được ngoài việc tự mình phải bơi ra biển lớn. Cũng hiếm ai show ra cho bạn thấy những lúc cô đơn, tuyệt vọng, đau khổ, ê chề mà họ đã phải vượt qua thế nào. Tất cả là những con số, những sự phấn khích. Nhưng bơi thì chúng ta phải tự bơi.

---

Cứ cho là bạn sẽ có thành công nhanh khi áp dụng đúng công thức, nhưng mình chắc chắn với bạn một điều (và đây là những lời gan ruột của mình khi đi qua nhiều thăng trầm cay đắng, thành công lẫn thất bại trên con đường này gần 5 năm, mà mình không có mentor coach, không có ai thật sự hiểu những gì mình trải qua), đó là: sẽ tới một lúc bạn phải chọn đánh đổi.

- Bạn muốn làm việc với những khách hàng hiểu mình, tin mình, trân trọng mình? Bạn chọn nghe theo những thôi thúc của trái tim?

hay là

- Phát triển theo số lượng, trở nên mainstream?

Tất nhiên sẽ có người nói tại sao không phải là cả hai? Sẽ khó lắm, vì khi trở nên mainstream cũng có nghĩa là sẽ càng có nhiều điểm mù hơn. Sẽ có ít thời gian dành cho việc quay về, nuôi dưỡng tâm hồn mình hơn. Sẽ có nhiều thứ để sợ mất hơn. Càng nhiều thứ để mất thì lại càng khó để buông. Có thể chúng ta sẽ bảo ‘Mình sẽ khác, mình sẽ làm được, trực giác của mình tốt, mình sẽ không bị cám dỗ đâu'. Tin mình đi, tới khi đó bạn sẽ được test phần tối của mình. Khi một khóa học đang mang lại cho bạn rất rất nhiều tiền, bỗng dưng một ngày bạn không còn cảm thấy vui hân hoan khi dạy nó nữa, tự dưng nhận ra bạn như một con robot đang bật chế độ nói tự động, bạn có nghĩ bạn sẵn sàng dừng lại để điều chỉnh không?

Khách hàng của mình chắc phải tới ⅓ là các bạn làm solo vì khi dám nhảy thì mọi người mới nhận ra quá trời nỗi sợ, tổn thương, khó khăn mà trước giờ mình chưa nhìn thấy. Cảm giác cô đơn như mình thường xuyên nói tới - và mọi người mong mỏi tìm về ‘nhà' với guides, với linh hồn mình để được sưởi ấm để vững tâm đi tiếp. Hoặc cũng có thể là can đảm dừng lại. Đa phần những buổi channelling mà mọi người hỏi guides: 'Đây có phải là con đường mà linh hồn mình muốn đi không?' thì mọi người đã biết câu trả lời trong trái tim mình rồi. Mọi người chỉ cần một lời xác nhận lại thôi.

---

Mình thực lòng cầu cho tất cả những ai dũng cảm đi trên hành trình độc hành (solo) này có đủ nội lực và sức bền để vượt qua mọi con sóng. Nhưng đừng bước vào nó chỉ vì nghĩ rằng nó đem lại nhiều hứa hẹn hào nhoáng. Sẽ có những cảm xúc thăng hoa bạn chưa bao giờ được biết tới, nhưng cũng có những cay đắng sẽ đẩy bạn xuống tận đáy mà chỉ có ngọn lửa bên trong mới có thể vực bạn dậy sau mỗi lần vấp ngã.

Guides hay ví nó giống như ‘Ánh sáng tự nhiên' (natural light source) và ‘Ánh sáng nhân tạo' (unnatural light source). Mặt trời lặn rồi mặt trời sẽ lại mọc ngày hôm sau, không dập tắt được. Ánh sáng từ đèn điện sẽ khiến chúng ta lúc nào cũng phải tính toán tiết kiệm, dùng sao cho khỏi lãng phí.

Đam mê sẽ đánh thức những tố chất và khả năng tiềm ẩn sâu thẳm bên trong linh hồn bạn. Đam mê là cái JOY, sự hân hoan, hạnh phúc nội tâm. Là ngôn ngữ của linh hồn, của trực giác dẫn đường. Đam mê sẽ là ánh sáng tự nhiên tự nó tỏa ra trong tất cả những thứ bạn làm, sẽ truyền cảm hứng để đánh thức đam mê cũng đang ngủ quên trong người khác.

Nó khác với cảm giác sốt ruột, bị thúc giục, FOMO, cảm thấy mình chậm chạp, thua kém khi bị bủa vây trong những thứ ‘viral' nhưng ẩn sâu lại kích hoạt lên rất nhiều nỗi sợ bên trong.

Rồi có thể có ai đó lại lập luận rằng, ‘Thế thì phải tự mình phải ngồi xuống làm việc với nỗi sợ đó chứ, đó đâu phải là lỗi của những người đang bán hàng đâu?’. Ừ, đành rằng là vậy. Nhưng với tư cách là người làm solo, kích hoạt lên nỗi sợ của khách để bán được hàng có phải là triết lý làm nghề của bạn không? Bạn có muốn để khách hàng, người đọc của mình phải bị cảm thấy vậy không?

Đó mới là câu hỏi.

-
Phương

Previous
Previous

Chuyện linh tinh

Next
Next

- Người mẹ và 4 lần mất con