Cuộc sống của linh hồn sau khi chết (Devachan) - (phần 2): Linh hồn chuẩn bị cho cuộc sống kế tiếp thế nào

Ở phần một, mình đã dịch một bài giảng của Rudolf Steiner về ‘Cuộc sống của linh hồn ở cõi trung giới (Kamaloka)’, mình sẽ dẫn lại link ở dưới để mọi người đọc lại nhé. Tuy vậy, giai đoạn linh hồn ở Kamaloka (đôi khi còn viết là Kamaloca, ‘world of souls') không kéo dài mãi mãi mà thường chỉ trong ⅓ khoảng thời gian cuộc đời khi người đó còn sống. Lí do cho khoảng thời gian này tương ứng với thời gian mà khi còn trong cơ thể, linh hồn cũng dành ⅓ cuộc đời cho việc ‘ngủ'. Mình ghi trong ngoặc kép chữ ngủ vì chỉ có cơ thể vật lí tạm ngưng hoạt động để nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng còn sự tiếp nhận thông tin thông qua các giác quan đều nằm trong thể vía (astral body). Khi cơ thể vật lí ngủ, thể vía xuất khỏi cơ thể và ở trong thế giới thật của nó là thế giới linh hồn. Vì vậy mà khi ngủ, chúng ta không cảm nhận thấy mọi thứ diễn ra xung quanh (ví dụ: linh hồn tạm thời ngắt khỏi các cơn đau trên cơ thể vật lí). Cũng có người ví ‘giấc ngủ là anh em họ với cái chết' (‘sleeping is a cousin of death') cũng có ý đúng, chỉ mỗi điều là mỗi tối khi ngủ, thể vía vẫn luôn được kết nối với thể xác và thể phách (etheric body) qua sợi dây bạc (silver cord), còn khi chết thì thể xác dừng hoạt động, và rồi thể phách, thể vía sẽ từ từ được tách ra. 

Tất cả mọi kí ức trong cuộc đời khi còn sống được ghi lại trong thể phách (etheric body), và cảm xúc được tạo nên từ những kí ức, thói quen đấy được ghi dấu ấn lại trong thể vía (astral body). Cả hai thể đó vận hành cùng với thể xác (physical body). Và tại sao lại có khái niệm ‘chết' cũng là vì thể xác, do được cấu tạo từ vật chất hữu hình cùng với các bộ phận, cơ quan nội tạng, không thể tồn tại bất tử được. Sự suy thoái, lão hóa, chậm dần của vật chất hữu hình là thứ khiến cho chúng ta cảm giác đó là cái chết.  

Thể phách (etheric body), thể gần với cơ thể vật lí nhất, sẽ hợp nhất với thể vía (astral body), và in lên đó tất cả những kí ức về cuộc đời vừa qua. Và sau một khoảng thời gian ngắn, thể phách cũng rã dần và chỉ có thể vía bắt đầu đi qua hành trình vào Kamaloca. Linh hồn sẽ đi qua giai đoạn được ví như ‘Life review', tua lại tất cả những sự kiện xảy ra trong cuộc đời vừa qua theo trình tự từ gần tới xa, cho tới khi sinh ra đời. Có những tài liệu gọi Kamaloca là ‘Purgatory', dịch là nơi ‘Luyện ngục'. Tuy nhiên, từ này cũng bị hiểu sai đi tương đối và trở thành một thứ đe dọa linh hồn về một nơi như ‘địa ngục' và bị trừng phạt. Ý nghĩa đúng của Kamaloca, hay ‘Purgatory' là nơi để linh hồn học cách buông bỏ khỏi các bám chấp, thói quen, đam mê, dục vọng trần gian mà giờ đây không còn cơ thể để thỏa mãn nữa. Cảm giác này được ví như cái khát cháy họng của người đi trên sa mạc, và đúng là Kamaloca cũng được gọi bằng cái tên nữa là ‘Burning Fire'/’Cleaning Fire’.

Giai đoạn ở Kamaloca của linh hồn dễ hay khó, đau đớn hay không cũng phụ thuộc nhiều vào việc linh hồn có nhiều bám chấp, dục vọng trần gian không. Cho tới khi linh hồn để ngọn lửa gột sạch mình khỏi các bám chấp ấy tới thời điểm khi sinh ra đời thì cũng là lúc linh hồn sẵn sàng để sang một nơi tiếp theo - Devachan, hay là ‘Land of spirits, hay mọi người hay dịch sang tiếng Việt là ‘Cõi trời chân Phúc'. Thời gian ở Kamaloca trung bình khoảng ⅓ cuộc đời của người đó khi còn sống như mình nói ở trên. Thời gian linh hồn ở Devachan lâu hơn nhiều, và sau nơi đó linh hồn sẽ đầu thai sang kiếp sống mới. 

Devachan là nơi linh hồn ‘thu hoạch' được những gì mà mình đã gieo trồng được từ cuộc sống vừa qua: kinh nghiệm, trải nghiệm, bài học, thành quả. Có những linh hồn đi qua Devachan rất nhanh và rất nhanh chóng đầu thai lại, nhưng cũng có những linh hồn ở Devachan rất lâu. Lâu hay mau tùy thuộc vào mỗi linh hồn có nhiều thứ để ‘thu hoạch' không, ví như nếu một người sống một cuộc đời giàu có, nhiều màu sắc, chất liệu (ở khía cạnh linh hồn) thì sẽ cần thời gian lâu hơn để làm rã ra các chất liệu đó và chuyển hóa nó thành một phần tính chất của linh hồn. 

✦ Ở ý này mình sẽ lược dịch ví dụ của Steiner cho dễ hiểu. 

Ông lấy ví dụ công việc của linh hồn trong cuộc sống trần thịt giống như một người kiến trúc sư vẽ bản vẽ của một ngôi nhà dựa trên hiểu biết của người đó về cấu trúc, sơ đồ, kết cấu, chất liệu của địa hình. Người kiến trúc sư của linh hồn (Higher-self) cũng lên kế hoạch cho cuộc đời kế tiếp dựa trên các luật lệ chung của vũ trụ và nơi linh hồn sẽ tới (ví dụ: linh hồn sẽ quên đi các kí ức về cuộc đời trước đó khi sang tới cuộc đời kế tiếp, v..v). Và chuẩn bị kĩ lưỡng ‘bản vẽ', lên kế hoạch, rồi linh hồn sẽ đầu thai lại - cũng như kiến trúc sư sẽ đưa bản vẽ cho thi công để xây nhà. Trong quá trình thi công biến bản vẽ thành hiện thực, sẽ có vô số các yếu tố xảy ra nằm trong và ngoài dự tính trước của kiến trúc sư. Với linh hồn cũng vậy (và cái này chúng ta gọi đó một phần là ‘tự do ý chí'). 

Cho tới khi nhà đã hoàn thiện, kiến trúc sư tới nghiệm thu kết quả để so sánh đối chiếu với bản vẽ và thu thập thêm kinh nghiệm để hoàn thiện hơn những bản vẽ và công trình kế tiếp. Cũng tương tự như vậy với linh hồn sau khi quay trở lại Devachan. Càng nhiều chất liệu để nghiệm thu thì lại càng cần nhiều thời gian để hiểu thấu đáo và biến nó thành chất liệu cho riêng mình, để rồi những công trình sau, những cuộc đời sau sẽ ngày càng hoàn thiện hơn. 

Steiner cũng nói là tất nhiên đây chỉ là sơ bộ chung của những cuộc đời kế tiếp của linh hồn mà thôi, còn thực tế không phải lúc nào cũng diễn ra như thế. Có những hoàn cảnh khiến cho cuộc đời kế tiếp của một người lại đi thụt lùi so với cuộc đời trước đó, tuy nhiên nếu nhìn rộng hơn thì những sự bất thường này tự nó cũng sẽ trung hòa lại một cách tự nhiên trong một chuỗi các cuộc đời. 

Devachan còn được chia làm 7 vùng, mỗi vùng ứng với các mức độ nhận thức của mỗi linh hồn. Mình sẽ để phần này cho những bài sau vì không muốn làm mọi người rối thêm. 

——

Trong quá khứ từ cả ở Ai Cập cổ đại cho tới phương Đông Ấn Độ, Tây Tạng cổ đại, linh hồn được chuẩn bị rất kĩ để hiểu về những gì sẽ diễn ra sau khi chết. Đây cũng vẫn là một phần quan trọng trong rất nhiều trường phái tu tập cho tới giờ mà những người thực hành thiền định về cái chết của bản thân. Cuộc sống của linh hồn vẫn luôn là một thứ được coi là bí ẩn, và thậm chí đời sống vật chất hóa còn không nhìn nhận rằng linh hồn vẫn tồn tại sau khi chết, hoặc là đòi hỏi bằng chứng về sự có tồn tại của linh hồn thì mới công nhận rằng nó có tồn tại (!!!). Steiner cũng có nói rất nhiều lần rằng ‘Mọi thứ hữu hình chỉ là tấm gương phản chiếu của những thứ đang diễn ra trong thế giới linh hồn'. Và đúng thật là như thế! Mọi sự thay đổi đều bắt đầu ở thế giới linh hồn trước tiên, và khi nó được biểu hiện ra thành trong thể vật lí thì nó là bước cuối cùng rồi. Bông hoa cũng không tự dưng mà xuất hiện, cũng như nếu để ý kĩ, mỗi chúng ta cũng sẽ cảm nhận thấy sự tự thay đổi chuyển hóa bên trong mình trước khi sự chuyển hóa ấy được ‘manifested'. Mọi nỗi sợ, ám ảnh hữu hình cũng đều bắt nguồn từ một lí do ‘vô hình' nào đó mà chúng ta không nhận ra! 

Khi hiểu được là cuộc sống luôn tiếp diễn, chỉ là sự thay đổi giữa các thể và trạng thái nhận thức thì hi vọng là bạn sẽ cảm nhận thấy một cảm giác như thể có gì đó đang tí tách mở ra bên trong mình, một sự rộng mở, ‘expansive’. Quá trình thức tỉnh tâm linh cũng bắt đầu từ giai đoạn của sự ‘tí tách' thay đổi từ bên trong chứ không phải một sự kiện cá nhân hay vũ trụ ập tới làm cho toàn bộ nhân loại đồng thức tỉnh đâu ^^ 

Cám ơn mọi người đã đọc bài!

Phương 

Previous
Previous

'Nhạy cảm quá mức' hay là bị 'Quá tải giác quan/Sensory-Overload'?

Next
Next

Món quà tâm linh, chữa lành & bức thư gửi đứa trẻ bên trong, ‘nghe' thấy spirit guides, tính thiện của nhân loại (hay không muốn là con người) (trích thư tâm sự)