Cuộc sống của linh hồn ở cõi trung giới (Kamaloka) - các linh hồn tự tử, linh hồn vẫn lưu luyến ở cõi trần gian

Bài giảng này của Steiner có nhiều đoạn rất hay và làm sáng tỏ những thắc mắc về chuyện linh hồn người chết sẽ đi về đâu và trải qua những gì nên mình dịch lại một vài chương nói về giai đoạn ở cõi trung giới (Kamaloka). Có một đoạn tương đối nhạy cảm về các linh hồn tự tử, mọi người nếu có trigger về chuyện này thì cân nhắc trước khi đọc.

Rudolf Steiner (1861-1925) là một nhà triết học, nhà cải cách xã hội, kiến trúc sư và một người hoạt động tâm linh. Ông sáng lập ra Nhân học triết học (Anthroposophy) và để lại nhiều công trình nghiên cứu, nhiều bài giảng về khoa học tâm linh có giá trị lớn. Công trình nghiên cứu của Steiner trải dài từ hệ thống, cấu trúc, trật tự hình thành và phát triển của vũ trụ; các thể dạng của linh hồn; ông còn đóng góp lớn trong cả giáo dục, nông nghiệp, kiến trúc.

Một trong những loạt bài giảng mình thích nhất của Steiner là về đầu thai, nghiệp quả và cuộc sống của linh hồn giữa thời điểm sau khi chết đi và trước khi đầu thai vào cuộc sống mới. Mọi người đọc thử trích đoạn lược dịch này nhé. Mình để link bài gốc ở dưới.

Phương

(Bài hơi dài xíu nha!)

- Bài giảng ngày 24 tháng 8, 1906, Stuttgart

‣ Con người ở đâu, làm gì giữa thời điểm vừa chết đi cho tới lần đầu thai kế tiếp? Trước hết chúng ta sẽ nói qua những gì diễn ra trong giai đoạn giữa lúc một người ngủ và trước khi họ thức dậy.

‣ Con người được cấu tạo từ bảy thể: bốn thể đầu hoàn chỉnh, thể thứ năm chỉ một phần và thể sáu, thể bảy mới chỉ có phần nhân được hình thành. Bảy thể đó là:

1. Thể vật lí (physical body), chúng ta có thể nhìn thấy bằng các giác quan thông thường.

2. Thể phách (etheric body), hoà cùng với thể vật lí

3. Thể vía (astral body)

4. Thể tâm hồn/nhận thức (Ego-body/consciousness body)

Trong thể tâm hồn nhận thức bao gồm:

1. Bản thể tâm linh (Spirit-Self, hoặc Manas)

2. Thể sức sống-tâm linh (Life-Spirit, hoặc Buddhi)

3. Thể con người-tâm linh (Spirit-Man, hoặc Atma)

‣ Trong trạng thái tỉnh táo, mỗi người có bốn thể đầu tiên bao xung quanh họ. Thể phách (etheric body) dài hơn thể vật lí một chút về các phía. Thể vía (astral body) kéo dài cách cơ thể khoảng 2,5 lần chiều dài của phần đầu, bao xung quanh đầu như một đám mây và tan dần khi đi dần xuống dưới chân. Khi ngủ, thể vật lí và thể phách (etheric body) vẫn nằm trên giường, dính liền với nhau như lúc ban ngày. Thể vía (astral body) sẽ lỏng dần, và thể vía (astral body) và thể nhận thức (Ego body - chú thích: Ego mà Steiner nói là thể nhận thức, không phải ego như chúng ta hay nghe nói tới) sẽ tách khỏi thể vật lí. Do tất cả các nhận thức, các khái niệm, cảm xúc hoàn toàn phụ thuộc vào thể vía (astral body), giờ đây khi nó tách khỏi cơ thể, con người tạm thời mất nhận thức trong khi ngủ.

‣ Vậy thì thể vía làm gì trong khi đó? Người có nhãn thông sẽ thấy thể vía có nhiệm vụ riêng của nó. Vào ban ngày, cơ thể vật lí dùng hết năng lượng và trở nên mệt, nhiệm vụ của thể vía là làm hồi phục và tái tạo lại năng lượng cho thể vật lí khi nó ngủ. Đó là lí do con người có nhu cầu ngủ, và quá trình ngủ cũng có tác dụng tái tạo, chữa lành.

‣ Khi một người qua đời, quá trình sẽ diễn ra tương đối khác. Thể phách (etheric body) sẽ rời khỏi cơ thể, cùng với đó là thể vía (astral body) và thể nhận thức (Ego body). Tại thời điểm qua đời, kết nối giữa thể vía, thể phách và ở bên kia là thể vật lí sẽ tách rời - đặc biệt quanh khu vực trái tim. Người ta sẽ nhìn thấy ánh sáng bắt đầu sáng dần từ phần trái tim, sau đó thể phách, thể vía và thể nhận thức sẽ thoát ra qua phần đầu.

‣ Ngay tại thời điểm qua đời, linh hồn có một trải nghiệm kì diệu: trong một tích tắc ngắn ngủi, người đó thấy lại tất cả những gì đã xảy ra cho anh ta trong cuộc đời vừa kết thúc. Toàn bộ cuộc sống của anh ta được tái hiện lại giống như đứng trước một màn hình lớn. Trải nghiệm này có thể xảy ra cả trong cuộc sống đời thường, vào những khoảnh khắc hi hữu khi một cơn sốc hoặc cơn giận dữ lớn xảy đến, ví dụ như khi một người đang đuối nước, hoặc rơi từ trên cao xuống, khi linh hồn biết rằng cái chết sắp đến gần và anh ta sẽ thấy cả cuộc đời hiện ra trước mắt theo cách này.

[...]

‣ Trong cuộc sống bình thường, nhận thức của con người phụ thuộc hoàn toàn vào các giác quan. Tất cả mọi thứ chúng ta thu nhận được đều thông qua các giác quan: không có mắt, sẽ toàn là màu đen; không có tai, một sự im lặng hoàn toàn; và không có cảm giác nóng hay lạnh nếu không có các giác quan tương ứng. Chúng ta có thể hình dung nếu như khi không còn các cơ quan nội tạng tương ứng với các giác quan nữa thì chúng ta sẽ hiểu điều kiện ở nơi mà linh hồn sẽ tới sau khi chết đi, khi hai thể là thể vật lí và thể vía được bỏ lại. Nơi này gọi là Kamaloka, nơi của khao khát/dục vọng (desires).

‣ Nó không phải là một địa danh vật lí mà Kamaloka ở ngay tại đây, nơi chúng ta đang ở, và linh hồn những người đã chết luôn ở quanh chúng ta, nhưng chúng ta không thấy họ bằng các giác quan thông thường.

‣ Cảm giác của linh hồn thế nào sau khi chết? Lấy một ví dụ đơn giản, ví dụ: khi còn sống một người ăn rất nhiều và rất thích ăn uống. Bây giờ giả sử anh ta chết đi: những gì còn lại đối với anh ta là khao khát và nhu cầu được ăn uống thoả thích. Nhu cầu này được thể hiện ở thể vật lí thông qua phương tiện là răng, lợi, v..v. để có thể ăn được nhưng giờ được bỏ lại sau khi chết đi. Cảm giác thỏa mãn và khao khát thuộc về linh hồn và vẫn được linh hồn mang theo sau khi chết. Nhưng người đó không còn cơ thể nữa để thỏa mãn khát khao ăn uống của mình.

‣ Linh hồn giống như những người hành khất trên sa mạc, đang phải trải qua cơn khát cồn cào và đi tìm dòng nước để giải tỏa cơn khát, nhưng không còn cơ quan nội tạng hay phương tiện vật lí nào nữa để thỏa mãn những cơn khát (dục vọng) nữa. Đây là tính chất của Kamaloka. Linh hồn không bị đày đọa từ các thế lực bên ngoài, mà từ chính các dục vọng còn tồn đọng sau khi chết nhưng không có cơ thể vật lí để thoả mãn nữa.

‣ Tại sao linh hồn phải trải qua sự cùng cực đó? Lí do là vì linh hồn phải dần dần học cách tự mình cai khỏi các khát khao, dục vọng vật chất để có thể thanh lọc, thanh tẩy và không loanh quanh mãi ở Trái Đất nữa. Khi quá trình này đã xong, giai đoạn Kamaloka sẽ kết thúc và linh hồn sẽ tới một nơi khác, gọi là Devachan (chú thích: bài giảng tiếp theo Steiner có nói tới không gian, điều kiện sống ở Devanchan).

‣ Linh hồn phải làm gì để đi qua Kamaloka? Ở Kamaloka, linh hồn sống lại toàn bộ cuộc đời vừa qua một lần nữa, nhưng theo trật tự ngược lại. Anh ta đi qua từng ngày, với tất cả các trải nghiệm, sự kiện, hành động, từ thời điểm mới qua đời cho tới thời điểm sinh ra. Để làm gì? Mục đích là để linh hồn có thể dừng lại ở mọi sự kiện và học cách tự giải thoát khỏi sự phụ thuộc vào cuộc sống trần thịt và các thoả mãn vật chất.

‣ Có một vài thời điểm đặc biệt và quan trọng ở Kamaloka chúng ta cần nói đến. Một trong số nhiều cảm xúc mà linh hồn có thể trải qua trong cuộc sống ở Trái đất là cảm xúc được sống, được ở trong một cơ thể vật lí. Do đó, khi chết đi, cảm giác thiếu cơ thể vật lí là một trong những cảm giác mất mát lớn đối với linh hồn. Giờ đây chúng ta có thể hiểu sự vật vã, khổ sở cùng cực mà những linh hồn thật không may là đã kết thúc cuộc đời bằng cách tự vẫn.

‣ Khi cái chết đến tự nhiên, ba thể (thể vật lí, thể phách, thể vía) sẽ tách rời khỏi nhau tương đối dễ dàng. Ngay cả với những cái chết đột ngột nhưng đến tự nhiên thì cả ba thể này đều đã có sự chuẩn bị từ trước đó, và do đó cảm giác mất mát khi không còn cơ thể vật lí tương đối ít. Nhưng khi sự tách rời đến một cách bất ngờ và bạo lực như trong trường hợp tự tử, khi toàn bộ các thể vẫn còn khoẻ mạnh và hoà quyện với nhau thì ngay lập tức sau khi chết, linh hồn sẽ cảm thấy rất rõ sự mất mát cơ thể vật lí và điều này gây ra nỗi đau rất lớn. Linh hồn cảm giác như bị bật ra khỏi cơ thể và nó bắt đầu tuyệt vọng đi tìm lại cơ thể mà vừa đột ngột bị mất. Không gì có thể so sánh với cảm giác đau đớn này. Có thể người đọc sẽ nói những người tự tử là những người không còn thiết tha gì với cuộc đời nữa vì nếu không anh ta sẽ không làm như vậy. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng vậy thôi, vì thực tế là những người tự tử là những người kì vọng quá nhiều vào cuộc đời. Bởi vì cuộc đời không đủ để thoả mãn các khát khao của anh ta nên anh ta tìm sự ẩn náu trong cái chết. Và do vậy cảm giác mất mát khi linh hồn nhận ra mình không còn cơ thể nữa rất nặng nề.

‣ Nhưng Kamaloka cũng không hẳn là quá khó khăn với tất cả mọi người. Nếu một người không phụ thuộc nhiều vào các dục vọng vật chất, anh ta sẽ thấy việc không còn cơ thể nữa sẽ dễ vượt qua hơn. Tuy nhiên, Kamaloka vẫn có ý nghĩa khác. Trong cuộc sống, một người không chỉ có mỗi các dục vọng mang lại sự thỏa mãn trần thịt, anh ta còn có các mối quan hệ tương tác với những người khác và các loài sinh vật khác. Dù ý thức hay không ý thức, có chủ đích hay không chủ đích, một người vẫn gây ra hạnh phúc hay đau khổ, niềm vui hay nỗi buồn cho người khác và cho các con vật xung quanh. Tại Kamaloka, anh ta sẽ quay trở lại những nơi chốn, thời điểm mà anh ta là tác nhân gây ra nỗi đau khổ cho người khác. Khi trước anh ta làm người khác đau, giờ anh ta sẽ cảm nhận được nỗi đau đó trong chính linh hồn mình. Anh ta sống lại bên trong người kia và các con vật kia, và trải qua chính những gì họ trải qua. Không có cách nào tránh khỏi quá trình này. Những người làm công việc giết mổ động vật, hoặc thí nghiệm trên động vật sẽ có một cuộc sống rất khó khăn trong Kamaloka.

[...]

-------

Một vài thứ suy ngẫm:

‣ Nếu linh hồn sau khi chết đi cần học cách tự thoát khỏi các thoả mãn, dục vọng trần thịt thì việc cúng lễ, cúng đồ ăn mặn có lẽ nào càng khiến linh hồn vẫn vương vấn nhiều với cõi trần thế không?

‣ Kamaloka cũng được biết tới trong các tôn giáo, tín ngưỡng khác, ví dụ như hình ảnh về ‘địa ngục' cũng là cách nói ẩn dụ của việc linh hồn phải trải qua sự thanh lọc và đối diện lại tất cả những gì mình đã làm và gây ra trong cuộc đời vừa qua.

‣ Giống một nhà giả kim, sau tất cả thì điều quan trọng không phải linh hồn biết hay tưởng mình biết những gì mà thật sự là mình đã ngấm và chuyển hoá những gì sau mỗi cuộc sống. Chúng ta đã thay đổi, chuyển hoá bản thân thế nào; vượt qua các cám dỗ và các vòng lặp ra sao; lan toả những gì; trân trọng cơ thể vì nhờ có nó mình được một lần nữa trải nghiệm cuộc đời, Steiner nói ‘Đó mới là lí do chúng ta đầu thai lần nữa'.

Cám ơn mọi người đã đọc tới đây!

Phương

Previous
Previous

‘Ngồi lại với chính mình’

Next
Next

Chủ đề của năm 2023, ‘giải trí tâm linh', tìm lại nhịp điệu trong cuộc sống