CÁC MẸO NHỎ ĐỂ VƯỢT QUA SỰ TRÌ HOÃN (mà không cần đến cà phê! )

Có hai tình huống thế này:

1) Bạn biết mình cần phải soạn nội dung cho một mục tiêu/khóa học nhưng cứ lần lữa mãi không làm được.

2) Bạn mong muốn một điều, nhưng bắt tay vào làm thì toàn vấp phải khó khăn cản trở. Bạn không biết đó là dấu hiệu cho thấy đấy không phải là điều bạn thật sự muốn hay là dấu hiệu để phải kiên trì vượt qua?

.

Để trả lời câu 2 thì phải xử lý được câu 1 đã! Vậy thì khi cảm thấy cứ trì hoãn mãi không làm điều mình biết cần phải làm, chúng ta phải làm gì? Có vài mẹo như sau mọi người thử xem có áp dụng được không nhé:

# 1: Xác định thời gian năng suất nhất trong ngày

Nếu để ý bạn sẽ biết có những khoảng thời gian trong ngày mình làm việc rất năng suất. Khoảng thời gian này bạn thấy mình tỉnh táo nhất, sáng tạo nhất, nghĩ mọi thứ rất thông suốt. Với một số người thì cảm hứng đến lúc đêm muộn, với người khác thì là sáng sớm đầu ngày.

Hãy tìm ra khoảng thời gian này cho cá nhân bạn. Thử vài khung giờ để kiểm tra độ tỉnh táo minh mẫn là bạn sẽ biết ngay khoảng thời gian đó hợp cho hoạt động gì. Sai lầm chúng ta hay mắc phải là ép mình làm những hoạt động không phù hợp trong khung giờ không phù hợp (rồi phải uống cafe liên tục để kích thích!!)!

Sau khi xác định khoảng thời gian năng suất nhất, ưu tiên khoảng thời gian đó cho các công việc cần sự sáng tạo hay tập trung cao độ, như là: thiền, lập kế hoạch, viết nội dung kịch bản, lên ý tưởng, v..v.

Hãy coi đây là lúc bạn tải, nhận thông điệp. Viết hết xuống các ý tưởng chảy tới, chưa hành động gì ngay vội. Để nó đấy rồi xem xét lại sau.

---

# 2: Thiết lập mục tiêu cụ thể và thực tế

Chắc chắn chúng ta sẽ bị loạn sau nếu cứ sa vào làm thứ không quan trọng trước rồi tới lúc cạn năng lượng rồi thì việc cần làm lại chưa đụng tới!

Đầu ngày hãy list ra khoảng 5 gạch đầu dòng thôi các nhiệm vụ chính cần hoàn thành ngày hôm đó. Mỗi nhiệm vụ cần khả thi để bạn không bị ngợp! Ví dụ: viết 2 bài post; làm một video; đọc hai chương sách, v..v. Chứ nếu mục tiêu chung chung kiểu là ‘Viết nội dung cho khóa học' thì đảm bảo bạn sẽ không biết bắt đầu từ đâu luôn và tới cuối ngày cũng không có gì đo lường hiệu quả làm việc của ngày hôm đó.

--

# 3: Rèn sự tập trung

Khi đã vào nhịp làm việc (mà thường là trong khung giờ năng suất) bạn sẽ thấy mình làm mọi thứ rất nhanh. Nhưng vấn đề là làm sao đưa mình vào flow đó đã! Xác định được khung giờ tỉnh táo là bước đầu tiên, nhưng kể cả trong khoảng thời gian đó mà sự tập trung liên tục bị chặt nhỏ thì cứ phải làm đi làm lại.

Bạn có thể đặt báo thức 15-20 phút, tắt điện thoại và tất cả các xao nhãng bên ngoài để chỉ tập trung vào nhiệm vụ cần giải quyết trước thôi đã. Mẹo này hay được các nhà văn áp dụng vì cảm hứng + sự tập trung quan trọng lắm! Dứt ra khỏi cái mạch đó thì sẽ khó bắt lại vào nhịp hơn rất nhiều. Các nhà văn còn lên những nơi vắng người để được tập trung viết cơ!

---

# 4: Hiểu điểm yếu của mình

Cái cuối cùng vẫn là hiểu bản thân!

- Có thể bạn trì hoãn vì trong thâm tâm bạn biết đó không phải là thứ làm mình thấy hứng thú thật sự.

- Có thể bạn trì hoãn vì bạn có nhiều nỗi sợ (‘Mình đã đủ kiến thức/khả năng để dạy cái này chưa?’)

- Có thể bạn bị chẩn đoán rối loạn tập trung giảm chú ý. Nếu biết điều này thì những mục tiêu đề ra phải giảm thiểu hơn nữa!

Chúng ta có thể thuyết phục lý trí là mình có thể hoàn thành tất cả mọi thứ trong MỘT ngày, nhưng cơ thể hoạt động theo quy luật của năng lượng, sao ép được! Mình càng hiểu mình bao nhiêu thì càng dễ điều chỉnh để nương theo mức năng lượng của cơ thể bấy nhiêu.

-----

Sau khi điều chỉnh lại nhịp điệu làm việc rồi mà vẫn thấy… chán, thấy lười, thì chúng ta mới nghĩ tới các câu hỏi là:

✧ Điều mình muốn có phải là điều linh hồn thật sự cần làm không?

✧ Có nút chặn nào mình chưa nhìn ra đang vô hình cản trở tiến độ của mình không?

Bài sau mình sẽ viết nhé! Cám ơn mọi người đã đọc!

Phương

Previous
Previous

3 cách để phân biệt mong cầu đến từ linh hồn/trực giác hay là ego

Next
Next

7 luân xa, bạn chỉ cần chú ý đến một luân xa này thôi!