Viết cho các bạn ‘healers’ - ‘người chữa lành’

Bài này mình muốn gửi gắm tới các bạn đã, đang và sẽ làm các công việc thuộc lĩnh vực chữa lành (‘healer’), lấy cảm hứng từ một email marketing của Julia Cannon mình đọc được hôm qua (cô này là con của Dolores Cannon, là một nhà thôi miên và người sáng lập ra trường phái Thôi miên lượng tử QHTT mà mọi người ở Việt Nam đang bắt đầu phát triển). Mình nghĩ những thông điệp này cũng sẽ là cái nhiều bạn đang cần.

Rất nhiều các khách hàng của mình tới cuộc sống này để làm nhiệm vụ ‘healer’ (‘chữa lành’). Chữa lành theo cách gì thì có người làm công việc theo đúng nghĩa đen của nó (ví dụ làm việc với những bệnh nhân đang có thương tổn về thân, tâm trí); người thì giảng dạy truyền đạt kiến thức; người thì có khả năng tâm linh; người thì bản thân mang năng lượng chữa lành khiến người khác ở bên cảm thấy thư thái, dễ chịu, v...v. Muốn biết bản chất của mình thuộc kiểu nào thì phải vào cụ thể từng buổi kết nối mình mới biết và ‘nhìn’ thấy rõ hơn, nhưng dù bất kể bạn là ‘healer’ dạng nào thì có một số điểm chung mình hay nhận thấy ở các bạn làm công việc này là:

❖ Mang trong mình tinh thần bao dung, từ bi, trượng nghĩa, muốn giúp đỡ tất cả mọi người

❖ Không muốn từ chối bất cứ ai và nếu phải từ chối thì cảm thấy như mình vừa làm một điều gì rất tệ, như mình quay lưng hay làm họ thất vọng

❖ Tuy nhiên, cùng với hai điều trên thì lại có một mâu thuẫn là sợ không đáp ứng được kì vọng của người khác, sợ không giúp được ai, sợ mình không biết gì.

Và gộp tất cả lại thì các ‘healer’ nếu không biết đặt ra các giới hạn cho bản thân, tự bảo vệ năng lượng của mình thì rất dễ bị kiệt sức, bị hút năng lượng vì cứ dốc lòng cho đi nhưng lại cũng tự đặt nhiều áp lực lên bản thân. Không phải vô cớ mà những người có nhiều tổn thương nội tâm cần chữa lành nhất cũng lại là các ‘healer’ – một phần từ kiếp trước, kiếp này nhưng một phần do cứ ôm tất cả các vấn đề của người khác và nghĩ nó là của mình

Và có những người mình thấy rõ là được sinh ra để làm công việc gì đó nhưng họ hoặc là không hiểu tại sao mình lại có khả năng đó, hoặc không biết bắt đầu như thế nào, hoặc cảm thấy như thể cứ định làm thì có gì đó chặn lại.

Khi mới bắt đầu làm một công việc mới, đặc biệt là những việc tự bản thân tên gọi của nó đã áp lên chúng ta trọng trách phải ‘chữa lành’ cho người khác, thì theo lẽ tự nhiên chúng ta sẽ cảm thấy sợ:

❖ Sợ công việc mình làm không mang lại giá trị hay kết quả gì cho khách

❖ Sợ không biết trả lời thế nào nếu khách hàng hỏi những điều mình không biết

❖ Sợ không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu mình không thể xoa dịu/chữa lành các thương tổn của khách

❖ Sợ không đáp ứng được các kì vọng của khách (và cả của bản thân)

❖ Sợ làm sai/sợ mình không đủ giỏi/đủ kinh nghiệm

v..v.

Cách để vượt qua các nỗi sợ này là gì? Chỉ có một cách đó là trung thực, và dám dấn thân. Chúng ta hãy nói rõ cho khách những gì họ có thể trông đợi, những gì bạn có thể mang lại, nhưng cũng nhắn nhủ cho họ hiểu rằng con đường của một ‘healer’ là con đường mỗi người phải học cả đời.

Bất kể ai cũng đều phải bắt đầu ở một điểm xuất phát. Và kể cả những người mà chúng ta tưởng phải biết tất cả mọi thứ (ví như bác sĩ đa khoa), thì cũng có những thứ họ không biết (thậm chí một vài lần bác sĩ khám cho mình phải hỏi Google!). Đó là bởi vì sẽ luôn luôn có những thứ mới cần học và vì mỗi cá nhân đều rất khác nhau.

Điều duy nhất bạn có thể mang đến cho mỗi khách hàng là sự toàn tâm toàn ý của bạn, sự chuẩn bị về thân/tâm/trí một cách tốt nhất trước mỗi buổi hẹn, và trung thực với mọi thứ sẽ diễn ra trước, trong và sau buổi hẹn.

Không phải ngẫu nhiên mà bạn ở đây và mang trong mình các khả năng, tiềm năng, dấu ấn năng lượng như bạn đang có. Ví như một anh kiến trúc sư không đi xây nhà mà lại đi sửa xe đạp, nếu muốn thì anh vẫn có thể học cách sửa xe nhưng khi làm đúng thứ mình giỏi thì khả năng đó sẽ ngày càng trở nên sắc bén. Nếu mỗi người được ở đúng vị trí của mình, chẳng phải đó là điều tuyệt vời nhất hay sao?

Previous
Previous

Linh hồn trẻ/linh hồn già – ‘Young soul/new soul’

Next
Next

Lựa chọn của linh hồn về cuộc sống giàu – nghèo?