Review phim Joker 2
Hôm qua mình đi xem Joker 2 (nếu ai sắp đi xem thì bỏ qua bài này nhé vì có spoilers!), phim bị chê thậm tệ nhưng có vài đoạn mình thấy rất sâu sắc, nó phản ánh đúng những gì đang diễn ra trong XH bây giờ.
Một đoạn phóng viên phỏng vấn Joker ở trong tù, phóng viên liên tục hỏi những câu kích động tới quá khứ, tới mức Joker hét lên: ‘Các người đâu có quan tâm đến tôi đâu? Thứ các người quan tâm chỉ là cái mặt nạ Joker và những gì có thể kiếm ra tiền từ chuyện đó, chứ các người đâu có quan tâm con người thật của tôi là ai hay tôi đã thay đổi như thế nào?’
Cả phim là hành trình ‘Joker' lột dần mặt nạ để tới lúc cuối cùng trước khi tòa phán xử, ảnh nói: ‘Sự thật là.. Tôi không phải ‘Joker'. Không có Joker nào cả. Chỉ có mình tôi thôi. Tên tôi là Arthur Fleck'.
Khi Arthur Fleck không sống được với cái bóng ‘Joker' quá lớn của mình nữa, anh ta trở về là con người thật của mình, thú nhận tất cả những gì mình làm, thì bạn gái rời bỏ anh ta. Và ảnh bị bạn tù đâm chết. Dự báo là người này sẽ thay thế Arthur để bước vào cái bóng của ‘Joker'.
.
Phim là cuộc chiến nội tâm của Arthur - ‘Joker' để được trở về là chính mình, nhưng sự thật đau lòng như bạn gái ảnh nói, ‘Người ta không quan tâm xem anh là ai đâu. Người ta yêu ‘Joker', người ta yêu cái bóng mà anh tạo ra. Nó là một cái ảo ảnh (fantasy) mà người ta được sống trong nó.’
Chẳng phải hành trình của mỗi chúng ta cũng là hành trình loay hoay để được sống đúng là mình trong một thế giới được lập trình theo một khuôn mẫu tiêu chuẩn được định sẵn?
‘Người ta chẳng quan tâm xem con người thật của anh là ai đâu!’ - câu này nghe đau đớn với Arthur Fleck - Joker, nhưng chẳng phải cũng có những lúc mỗi người trong chúng ta cũng khao khát cảm giác được nhìn thấy, được chấp nhận chỉ-vì-mình-là-mình? Không cần phải đeo mặt nạ, không cần phải gồng lên cho vừa một chiếc áo quá rộng.
Mệt quá, đau khổ quá, người ta đi tìm người có thể lắng nghe và cảm thông với mình. Rồi lại thêm một khổ tâm nữa, giống khi Arthur hét lên với phóng viên: ‘Anh đang nghe tôi chỉ vì anh được trả tiền để ngồi đó làm công việc đó, hay là anh thật sự quan tâm đến con người thật của tôi?’
Mình bị giằng co rất nhiều về việc tính phí dịch vụ để giữ cho mình đủ năng lượng hold space cho khách hàng với việc làm sao để giúp được càng nhiều người nhớ lại kết nối bẩm sinh với linh hồn mình, với spirit guides đây? Một đặc quyền của mỗi người, vậy mà giờ chúng ta phải tự chứng thực thì mới tin là vẫn có những ‘người' nhìn thấy mình như là một linh hồn thuần khiết, thương mình, hiểu mình không vì lý do gì cả.
Cái chết của Arthur Fleck có lẽ là cái chết được dự đoán trước nên cũng không có gì ngạc nhiên. Nhưng cái ảo ảnh, cái bóng mà ảnh để lại thì sẽ luôn có người khác thay thế. Xã hội vẫn trôi, mọi thứ vẫn được vận hành, có lẽ sẽ không ai nhớ tới Arthur Fleck là ai mà người ta chỉ nhớ tới ‘Joker' đem lại sự hưng phấn kích thích để người ta được sống trong ảo tưởng tới chừng nào hay chừng đó mà thôi.
Nhưng Arthur đã chiến thắng chính cái bóng mà ảnh đã tạo ra. Arthur tự mình cắt đứt vòng lặp để thừa nhận ‘Tôi không phải là cái bóng của mình. Tôi chỉ là chính tôi'. Dù ảnh bị trả giá (bạn tù trước khi đâm ảnh có nói ‘You get what you deserve!’ - ‘Mày nhận được thứ mà mày xứng đáng!’), nhưng đây chính xác là cuộc chiến giữa bóng tối - ánh sáng trong chính mình. Cho tới cuối cùng, lương tâm và ánh sáng đã chiến thắng.