Luật nhân quả hay là di truyền từ cha mẹ? Linh hồn chọn cơ thể để đầu thai thế nào?

Để thống nhất về cách dùng từ, mình ghi lại một số khái niệm phổ biến hay được dùng nhưng được hoặc bị hiểu sai so với nghĩa gốc của nó. Hai trong số đó là:

‣ ‘Luật nhân quả', ‘nghiệp' là rút ngắn lại của ‘Luật nguyên nhân - kết quả’ - hay là ‘Law of Cause and Effect', ‘Karmic Laws'. Gọi là luật nhưng không mang nghĩa đen như là luật lệ, điều khoản luật mà theo nghĩa là quy luật vận hành của vũ trụ: Không có gì xảy ra mà không có nguyên nhân, và không có gì được tạo ra mà không để lại kết quả. Do có ‘Luật nguyên nhân/kết quả' và có các karma/nghiệp được tạo thành trong mỗi kiếp sống nên linh hồn lại quay trở lại đầu thai lần nữa. Và do vậy tất cả những gì diễn ra trong cuộc sống lần này đều là kết quả của các karma từ những lần đầu thai trước, và tất cả những gì linh hồn thu nhặt được đều sẽ tạo thành quả trong những cuộc sống sau. Đây là gốc rễ trong lời dạy về việc tu tâm dưỡng tính trong đạo Phật vì không phải chỉ là hành động xấu mới để lại quả mà cả suy nghĩ xấu cũng đã tạo thành năng lượng và để lại nghiệp/karma rồi.

‣ ‘Hợp đồng linh hồn' (Soul Contract). Khái niệm này thực chất là ‘Karmic Relationships' - ‘Mối quan hệ nhân quả', nhưng do cái tên ‘hợp đồng linh hồn' khiến chúng ta hay hiểu theo nghĩa đen là có bản hợp đồng linh hồn bằng giấy như hợp đồng kinh doanh Khi hiểu ‘Luật nguyên nhân/kết quả’ ở trên thì chúng ta sẽ dễ hiểu ‘Mối quan hệ nhân quả’ về bản chất là những mối quan hệ được tạo thành từ các ‘nhân'/karma giữa các linh hồn. (Và không có bản hợp đồng linh hồn mà có quan tòa đóng dấu mộc nào đâu nên nếu ai bảo với bạn là có thể giúp bạn xé hay viết lại bản hợp đồng linh hồn là chứng tỏ họ hiểu hoàn toàn theo nghĩa đen! ‘Karmic Laws' là quy luật vận hành chung của tổng thể vũ trụ, và chúng ta chỉ có thể tháo gỡ các karma khi tự mình chuyển hóa nó, đi qua nó.)

-------

Trong loạt bài giảng về nghiệp/karma của Steiner mà mình đã viết một vài bài trước đó rồi (mình sẽ dẫn lại link bài cũ ở dưới), có một người đặt câu hỏi là:

‣ ‘Nếu theo luật nhân quả thì tài năng, phẩm chất, tố chất của một người là kết quả của những cuộc sống trước của anh ta. Điều này có mâu thuẫn với việc là có những thứ như tố chất âm nhạc, hay phẩm chất đạo đức, v..v. là do được di truyền trực tiếp lại từ cha mẹ hay không?’

Steiner trả lời:

‘Nếu nghiên cứu kĩ lưỡng về luật tái sinh và nhân quả, chúng ta sẽ thấy không có sự mâu thuẫn nào trong hai nhận định trên cả. Chỉ có những phẩm chất thuộc về cơ thể vật lí và thể phách (ether body) là được di truyền trực tiếp. Những gì liên quan tới thể linh hồn (soul-body) được thừa hưởng lại ở mức độ thấp hơn, mà một trong những sự thừa hưởng nằm trong các giác quan: ví dụ một người với khả năng thị giác sắc sảo tinh anh, hoặc với khả năng cảm nhận âm thanh rất phát triển, v..v, có thể phụ thuộc vào việc ông cha anh ta có có phát triển các tố chất đó hay không và di truyền lại. Tuy nhiên, không một ai có thể di truyền lại cho con cái những gì thuộc về phẩm chất của linh hồn của người đó, ví dụ như là độ sắc sảo về tư duy, trí nhớ siêu việt, tư cách phẩm chất đạo đức, khả năng lĩnh hội kiến thức và nghệ thuật.

Đây là những phẩm chất sẽ đi cùng với người đó và sẽ xuất hiện trong những lần đầu thai kế tiếp dưới dạng khả năng, tài năng, tính cách, v..v. Môi trường mà người đó sẽ đầu thai trở lại không phải là sự sắp đặt ngẫu nhiên mà nó nhất thiết phải được liên kết với chính nghiệp quả/karma của anh ta. Lấy ví dụ về một người mà trong cuộc sống trước, anh ta đã phát triển được một phẩm chất đạo đức rất vững chắc. Và nghiệp quả dẫn anh ta tới việc phẩm chất đạo đức này sẽ được thể hiện ra trong cuộc đời kế tiếp. Điều này dẫn tới việc người đó sẽ cần phải đầu thai vào một cơ thể cũng mang những đặc tính thể chất vững chắc nhất định. Và đặc tính thể chất được di truyền lại từ cha mẹ. Do đó, linh hồn sắp đầu thai sẽ hướng tới những cha mẹ có khả năng ‘tạo' ra một cơ thể phù hợp theo hướng đó. Do đó, khi người con sinh ra trong gia đình này sẽ có thể được thừa hưởng lại các đặc tính gen di truyền về thể chất để phù hợp với cuộc đời gắn với karma mà linh hồn sẽ trải qua.

Do đó, nếu nhìn sơ qua có thể tưởng là tố chất, phẩm chất đạo đức được thừa hưởng lại từ cha mẹ nhưng thực tế là linh hồn đã tìm và chọn ra gia đình để hỗ trợ cho quá trình diễn ra karma trong cuộc đời lần tới. Cũng phải nói tới những trường hợp mà linh hồn của đứa con và của cha mẹ đã kết nối từ cuộc đời trước, và do đó tới lần này lại tìm thấy lại nhau. (Note: Ý này để diễn giải thêm cho ý trên khi Steiner nói linh hồn ‘lục tìm' các cha mẹ phù hợp, vì có những tài liệu nói rằng việc linh hồn tìm thấy một cơ thể phù hợp để đầu thai không phải là chuyện dễ!).

Luật nguyên nhân - kết quả rất phức tạp mà chúng ta không thể khái quát nó nếu chỉ dựa vào hình thức bề ngoài. Chỉ khi chúng ta có khả năng nhìn quá cơ thể vật chất và nhìn vào bản chất linh hồn thì mới có thể nhận định rõ hơn điều gì được di truyền lại từ cha mẹ và điều gì là kết quả thu được từ những cuộc đời trước của anh ta. Do đó, ý kiến cho rằng ‘Con cái được đem tới cho cha mẹ' nếu nhìn từ góc độ linh hồn thì điều này hoàn toàn đúng, vì mỗi đứa trẻ đúng là được ‘mang tới' cho cha mẹ vì lẽ rằng những cha mẹ này có khả năng tạo dựng môi trường giúp đứa trẻ có thể hiển lộ (unfold) các tố chất, tài năng tiềm tàng sẵn có.’

(Trích ‘GA 40: REINCARNATION AND KARMA’ - Rudolf Steiner)

Phương

Previous
Previous

👑 ‘Công chúa và hạt đậu’ - câu chuyện về sự nhạy cảm của trực giác?

Next
Next

Một số tựa sách nhập môn khi bắt đầu tìm hiểu về Nhân triết học và Steiner